TRÀO LƯU ĐẾN SPA TIÊM FILLER LÀM ĐẸP MÔI KHIẾN NHIỀU CHỊ EM NHẬP VIỆN
11-09-2022 21:00:00
Copy to clipboard
Trào lưu làm đẹp môi bằng tiêm filler được nhiều người ưa chuộng nhưng thực tế nhiều chị em phải nhập viện. Mỗi tháng Bệnh viện Da Liễu TP.HCM tiếp nhận khoảng 10-15 trường hợp tai biến do tiêm filler.
Ngày 09/09/2022, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều chị em đi spa tiêm filler làm đầy môi. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng môi bị sưng phồng, căng cứng, đau nhức sau tiêm filler.
Chị L.N.H.T (25 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) đến Bệnh viện Da Liễu khám trong tình trạng môi sưng nề, bầm tím, sờ vào có khối căng cứng trong môi.
Chị T. cho biết, do vùng môi có nhiều nếp nhăn nên trước đó có đến spa để tiêm filler xóa nhăn. Tại đây, chị được nhân viên spa tư vấn tiêm 1ml filler với giá 3,5 triệu đồng để làm đầy môi. Nhưng ngay sau lúc tiêm thì môi chị bị phù nề nhẹ, hơi đau nhức nên báo với nhân viên spa và được trả lời đây là “tình trạng bình thường sau tiêm filler”. Sau 3 ngày, môi chị T. vẫn căng cứng và phù nề nhiều hơn nên chị ra nhà thuốc mua thuốc giảm sưng về uống nhưng tình trạng không cải thiện nên đã đến bệnh viện chữa trị.
Tương tự, chị T.H (30 tuổi ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nhập viện Bệnh viện Da Liễu trong tình trạng môi sưng to, đau nhức, sờ vào có khối cứng lổn nhổn bên dưới môi.
Theo lời chị H., do môi chị nhỏ, lại có nhiều nếp nhăn nên chị muốn sửa để có được bờ môi hài hòa, cân đối hơn... Vì vậy, chị đến spa ở Vũng Tàu và được tư vấn tiêm 0,5ml filler với giá 2,5 triệu đồng.
Chị H., kể: “Ngay sau khi tiêm tôi thấy môi hơi sưng nề, khoảng 1,5 giờ sau tôi thấy đau nhức ngày càng tăng nên gọi cho nhân viên spa và được tư vấn ngậm thuốc giảm đau, chườm đá rồi đi ngủ, sáng dậy sẽ hết đau. Tuy nhiên sau 2 ngày tình trạng này vẫn không cải thiện, ngược lại ngày càng đau nhức nhiều hơn, môi sưng to, căng cứng, muốn nứt tét ra luôn. Hoảng sợ tôi vội bắt xe lên Bệnh viện Da Liễu”
TS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu cho biết, vùng môi cả 2 bệnh nhân trên đều bị sưng phù, căng cứng, mủ trắng bên dưới, sờ vào rất đau, cho thấy tình trạng nhiễm trùng cấp với mức độ viêm khá nặng.
Cả hai trường hợp trên, vùng môi sưng phù sau tiêm kéo dài trên 48 giờ và diễn tiến ngày càng nặng là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng. Nhưng người thực hiện lại không nhận ra mà cho đây là “hiện tượng bình thường sau tiêm filler” nên không có hướng xử trí kịp thời, tích cực cho bệnh nhân. Trong khi các ổ nhiễm trùng vùng hàm mặt đều cần xử trí sớm do có liên quan chặt chẽ với sọ não. Khi có nhiễm trùng vùng hàm mặt dễ lan lên nền sọ gây viêm não, màng não. Đây là biến chứng nặng và rất nguy hiểm, có thể để lại những di chứng rất nặng nề về thần kinh.
Theo TS-BS Ánh Tú, nguyên nhân có thể do spa không tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn lúc tiêm, thực hiện vô trùng không đúng cách khiến vi khuẩn xâm nhập vào nơi tiêm. Ngoài ra, việc sử dụng các loại filler kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường, sản phẩm sản xuất, đóng gói không đảm bảo vô trùng cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng.
“Bên cạnh đó việc chọn lựa sai loại filler hay tiêm quá nhiều trong một lần điều trị cũng có thể gây căng tức, đau nhức vùng môi, thậm chí chèn ép mô, chèn ép mạch máu gây thiếu máu, nặng nề có thể dẫn đến hoại tử”, TS-BS Ánh Tú thông tin.
Cả hai bệnh nhân sau đó được được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc vết thương hằng ngày. Sau khoảng 3 ngày, tình trạng vết thương cải thiện đáng kể.
TS-BS Ánh Tú cho biết thêm, tiêm filler (chất làm đầy) là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm về tiêm để tránh gây tai biến như tắc mạch, hoại tử da, loét da, áp xe…
Theo thống kê, trung bình mỗi tháng Bệnh viện Da Liễu tiếp nhận khoảng 10-15 trường hợp tai biến do tiêm filler. Nhiều trường hợp tai biến nặng phải phẫu thuật để lấy hết filler ra, chi phí khá tốn kém và mất nhiều thời gian để phục hồi. Di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da gây ảnh hưởng thẩm mỹ.
Vì vậy, để việc tiêm filler môi hay vùng cơ thể khác an toàn, TS-BS Ánh Tú lưu ý khi chọn cơ sở thực hiện phải đảm bảo tất cả các yếu tố sau: Cơ sở thực hiện phải được cấp phép thực hiện kỹ thuật tiêm filler; người thực hiện phải là bác sĩ da liễu, thẩm mỹ, được đào tạo bài bản về kỹ thuật tiêm chất làm đầy. Lựa chọn kỹ thuật tiêm phù hợp, mỗi khu vực có định lượng rõ ràng, và tuyệt đối phải đảm nguyên tắc về vô trùng; chất làm đầy phải chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng, được Bộ Y tế cấp phép.…
Bệnh viện Da Liễu - số 2 Nguyễn Thông, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.
Hotline: 028.39308131 - 0901.365.638
Website: bvdl.org.vn
Thời gian khám bệnh của bệnh viện:
Từ thứ hai đến thứ sáu: Từ 6g00 đến 18g30 (KHÔNG NGHỈ TRƯA)
Thứ bảy: buổi sáng từ 7g30 đến 11g00, buổi chiều từ 13g00 đến 18g30
Chủ Nhật: buổi sáng từ 7g30 đến 11g00, buổi chiều từ 13g00 đến 15g00
Ngày Lễ, Tết: NGHỈ
Đặt lịch khám bệnh trực tuyến tại: https://dalieu.medpro.com.vn/ - Hoặc tải ứng dụng Bệnh viện Da Liễu TPHCM - Đăng ký Khám bệnh Online (App Store, Google Play)
Để xem được nhiều nội dung Truyền thông giáo dục sức khỏe về da liễu, hãy truy cập kênh Youtube của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM: https://www.youtube.com/channel/UCt4M5jArf_1Pf5CNWRYOGag
ThS.BS Phan Ngọc Huy - Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết: Nhiều chị em tin vào mỹ phẩm được quảng cáo mang lại làn da hoàn hảo ngay lập tức. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, làn da trở nên yếu đi, xuất hiện các vấn đề nghiêm trọng, buộc phải đến bệnh viện điều trị.
Giữa tháng 9, bệnh viện Da Liễu TP.HCM đã tiếp nhận một trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng bội nhiễm, sưng nề sau lột da bằng hóa chất (hay còn gọi là peel da) tại nhà.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp áp xe, hoại tử khi lựa chọn căng chỉ làm đẹp những cơ sở không uy tín để lại hậu quả nặng nề.