Mở đầu là phần phát biểu khai mạc của PGS.TS.BS. Nguyễn Trọng Hào – Chủ tịch Hội Da Liễu TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng trường Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ThS.BS. Võ Quang Đỉnh – Phó Trường khoa Lâm sàng 1 BV Da Liễu TP.HCM, Phó trường Bộ môn Da Liễu TP.HCM; nhấn mạnh rằng loét da là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của bệnh nhân, liên quan đến không những chuyên ngành Da Liễu mà còn cần sự phối hợp của các chuyên ngành khác. Việc nhận biết, chẩn đoán và điều trị sớm các loại loét sẽ giúp cải thiện tiên lượng và hạn chế biến chứng.
Mở đầu bài báo cáo, ThS.BS. Võ Quang Đỉnh – Phó Trường khoa Lâm sàng 1 BV Da Liễu TP.HCM, Phó trường Bộ môn Da Liễu TP.HCM đã cung cấp kiến thức tổng quan về nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh, phân loại, hình ảnh lâm sàng và hướng điều trị các loại loét da thường gặp trong thực hành lâm sàng. Bài báo cáo nhấn mạnh các yếu tố nguy cơ hàng đầu như suy giảm tuần hoàn, tiểu đường, tì đè kéo dài và nhiễm trùng.
Tiếp theo chương trình, BSCKI. Huỳnh Thị Mai Thi, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh, đã trình bày về “Loét do bệnh tĩnh mạch”, nguyên nhân chính do ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch kéo dài. Bài báo cáo tập trung vào phương pháp nhận diện các đặc điểm lâm sàng đặc trưng, các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh và phương pháp điều trị như sử dụng băng ép, thuốc tăng cường tuần hoàn và can thiệp phẫu thuật.
ThS.BS. Hoàng Trung Hiếu, Khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, tiếp tục với bài báo cáo về “Loét do bệnh động mạch”, nhấn mạnh sự khác biệt so với loét tĩnh mạch, đặc điểm của vết loét thiếu máu, đau đớn khi vận động và điều trị bằng cách cải thiện tưới máu như dùng thuốc giãn mạch, can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch.
Tiếp nối chương trình, ThS.BS. Lê Tuấn Khanh, Khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh, đã chia sẻ về “Loét bàn chân đái tháo đường”, bao gồm cơ chế hình thành do thần kinh ngoại biên và bệnh lý vi mạch, nhấn mạnh các biện pháp phòng ngừa như kiểm soát đường huyết, chăm sóc bàn chân đúng cách, và điều trị bằng thuốc kháng sinh, cắt lọc mô hoại tử và sử dụng thiết bị hỗ trợ giảm áp lực lên vết loét.
Và cuối cùng là bài báo cáo “Loét tì đè” do ThS.BS. Nguyễn Thị Thanh Phương, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM trình bày, nêu các nguyên nhân chính, các giai đoạn tiến triển của loét tì đè, chiến lược phòng ngừa như thay đổi tư thế thường xuyên, sử dụng đệm chống loét, chăm sóc da đúng cách, và phương pháp điều trị từ làm sạch vết loét đến ghép da trong trường hợp nặng.
Chương trình đào tạo đã mang đến nhiều thông tin hữu ích và cập nhật về các loại loét da, giúp các bác sĩ có thêm kiến thức trong chẩn đoán và điều trị. Hẹn gặp lại quý đồng nghiệp tại chương trình đào tạo liên tục trực tuyến tiếp theo vào ngày 23.3.2025 với chủ đề: "Tự kháng thể trong các bệnh lý mô liên kết" và Hội nghị Da Liễu thẩm mỹ miền Nam do Bệnh viện Da Liễu TP.HCM tổ chức vào ngày 30/3/2025.
Bệnh viện Da Liễu TP.HCM đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của người bệnh khi đăng ký khám chữa bệnh bằng CCCD hoặc ứng dụng VNeID.
Lưu ý: Tất cả thông tin, hình ảnh trên Website, Fanpage, YouTube, TikTok của Bệnh viện Da Liễu TP. Hồ Chí Minh thuộc bản quyền của Bệnh viện Da Liễu TP. Hồ Chí Minh. Ghi rõ nguồn “Bệnh viện Da Liễu TP. Hồ Chí Minh” khi phát hành lại thông tin, hình ảnh từ các kênh truyền thông của Bệnh viện.