NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ MỤN CÓC LÒNG BÀN CHÂN

07-08-2022 20:30:00
Copy to clipboard
Mụn cóc là sự dày lên tại chỗ của da và thuật ngữ mụn cóc lòng bàn chân được sử dụng để chỉ những mụn cóc xuất hiện ở lòng bàn chân.

 

MỤN CÓC LÒNG BÀN CHÂN LÀ GÌ?

Mụn cóc là sự dày lên tại chỗ của da và thuật ngữ mụn cóc lòng bàn chân được sử dụng để chỉ những mụn cóc xuất hiện ở lòng bàn chân.

NGUYÊN NHÂN GÂY RA MỤN CÓC LÒNG BÀN CHÂN?

Mụn cóc là do nhiễm trùng ở lớp ngoài của da (lớp thượng bì) bởi một loại virút có tên gọi là human papilloma virus (gọi tắt là HPV). Có nhiều chủng virus HPV khác nhau và mụn cóc ở người thường do một vài chủng trong số các chủng này. Nhiễm trùng làm cho da phát triển quá mức và dày lên, từ đó phát triển thành u lành tính (còn gọi là mụn cóc).

Chúng ta bị lây mụn cóc lòng bàn chân do tiếp xúc với vảy da bị nhiễm trùng - ví dụ như từ sàn của phòng thay đồ công cộng, buồng tắm gia đình và các khu vực xung quanh bể bơi. Virus này không dễ lây lan và cũng không rõ lý do tại sao một số người bị lây mụn cóc trong khi những người khác thì không. Virus xâm nhập vào da thông qua các vết nứt nhỏ trên bề mặt da. Tình trạng ẩm ướt của da lòng bàn chân có thể làm cho việc nhiễm virút trở nên dễ dàng hơn.

MỤN CÓC LÒNG BÀN CHÂN CÓ DI TRUYỀN?

Không.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA MỤN CÓC LÒNG BÀN CHÂN LÀ GÌ?

Trong hầu hết các trường hợp mụn cóc lòng bàn chân không gây ra triệu chứng gì. Một số trường hợp mụn cóc lòng bàn chân có thể khiến cho chúng ta cảm thấy khó chịu (cấn như đạp trúng đá hay đau nhức khi đi lại), đặc biệt nếu chúng xuất hiện ở vùng chịu trọng lực của cơ thể.

MỤN CÓC LÒNG BÀN CHÂN TRÔNG NHƯ THẾ NÀO?

Mụn cóc lòng bàn chân có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên lòng bàn chân và ngón chân, và thường xuất hiện ở các vùng chịu trọng lực của cơ thể. Mụn cóc có kích thước khác nhau từ vài milimet đến hơn một centimet. Chúng có bề mặt sần sùi nhô lên khỏi bề mặt da. Kiểm tra kỹ bằng kính lúp có thể thấy các chấm đen nhỏ. Một người có thể có một hoặc nhiều mụn cóc lòng bàn chân và cũng có thể có mụn cóc ở các nơi khác trên cơ thể. Thuật ngữ ‘mụn cóc thể khảm” được sử dụng để chỉ các cụm mụn cóc nhỏ nằm sát nhau.

MỤN CÓC LÒNG BÀN CHÂN ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN NHƯ THẾ NÀO?

Chẩn đoán mụn cóc lòng bàn chân chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng. Đôi khi chúng ta khó phân biệt mụn cóc với một cục chai chân. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể sử dụng kính lúp để tìm các chấm đen trên bề mặt từ đó giúp xác định chẩn đoán mụn cóc. Các xét nghiệm khác là không cần thiết.

MỤN CÓC LÒNG BÀN CHÂN CÓ THỂ ĐƯỢC CHỮA KHỎI?

Không có cách chữa trị nào được đảm bảo chắc chắn thành công, nhưng một số phương pháp điều trị có thể chữa lành hoàn toàn mụn cóc. Cơ hội điều trị lành bệnh tốt nhất là ở những người trẻ tuổi mới bị mụn cóc gần đây. Nếu như bạn có một bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của cơ thể hoặc bạn đang sử dụng một loại thuốc ức chế miễn dịch, thì việc điều trị có thể ít có cơ hội thành công hơn. Hầu hết mụn cóc sẽ tự khỏi dần theo thời gian và có thể không cần điều trị nếu mụn cóc không gây ra vấn đề cho bạn. Khi muốn quyết định có nên điều trị mụn cóc lòng bàn chân hay không thì cần lưu ý những điều sau:

  • Mụn cóc thường tự khỏi mà không để lại vết thâm hay sẹo.

  • Điều trị thành công mụn cóc không ngăn ngừa được việc tái nhiễm lại mụn cóc.

  • Một số mụn cóc có thể rất cứng đầu. Điều trị không phải lúc nào cũng hiệu quả và có thể tốn nhiều thời gian.

  • Điều trị mụn cóc lòng bàn chân gây đau đớn và ảnh hưởng đến khả năng đi lại trong một khoảng thời gian.

LÀM THẾ NÀO ĐIỀU TRỊ MỤN CÓC LÒNG BÀN CHÂN?

Một số mụn cóc lòng bàn chân có thể được điều trị bằng cách sử dụng các phương pháp điều trị tại chỗ mà không cần kê đơn. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp còn lại cần gặp bác sĩ để được tư vấn về các phương pháp điều trị thích hợp, đặc biệt khi:

  • Các tổn thương này chảy máu, gây đau đớn, thay đổi về hình dạng hoặc cản trở các hoạt động hàng ngày của bạn.

  • Bạn không chắc chắn về chẩn đoán mụn cóc.

  • Bạn đã điều trị mụn cóc nhưng mụn cóc không hết và bắt đầu lan rộng dần.

  • Bạn bị tiểu đường hoặc giảm cảm giác ở lòng bàn chân.

  • Bạn có hệ thống miễn dịch bị suy giảm vì phải sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch, bị AIDS hoặc các bệnh lý làm suy giảm miễn dịch của cơ thể.

CÁC LỰA CHỌN ĐIỀU TRỊ BAO GỒM:

  1. KHÔNG ĐIỀU TRỊ: Có tới 65% mụn cóc bao gồm cả mụn cóc lòng bàn chân sẽ tự lành mà không cần điều trị trong vòng hai năm. Mụn cóc lòng bàn chân mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào như đau nhức, chảy máu hay thay đổi hình dạng thì nên được để lại để theo dõi.

  2. SƠN VÀ GEL CHỨA AXIT SALICYLIC: có sẵn với các nồng độ khác nhau. Axit salicylic hoạt động bằng cách loại bỏ các lớp da chết bên ngoài và kích hoạt hệ thống miễn dịch để loại bỏ virus. Trước khi thoa thuốc, bàn chân phải được ngâm trong nước ấm và lớp da dày được lấy đi bằng đá bọt hoặc dụng cụ giũa móng tay. Cần chú ý không cạo vào lớp da bình thường xung quanh để tránh lây lan virut. Điều trị nên được thực hiện hàng ngày trong ít nhất 12 tuần và thuận tiện nhất vào buổi tối trước khi đi ngủ. Chúng ta cần thoa cẩn thận vào ngay mụn cóc và tránh thoa vào vùng da bình thường xung quanh. Nếu mụn cóc trở nên quá đau, nên ngừng điều trị trong vòng vài ngày và sau đó tiếp tục điều trị tiếp.

  3. LIỆU PHÁP ÁP LẠNH: Đóng băng mụn cóc bằng nitơ lỏng. Mụn cóc dày cần được cạo mỏng lại trước khi áp lạnh để cho phép hơi lạnh xâm nhập vào trong da. Tốt nhất, liệu pháp áp lạnh này nên được lặp lại sau mỗi hai đến ba tuần. Phương pháp này gây đau đớn và có thể làm phồng rộp da và bỏng vì vậy thường không được khuyến cáo ở trẻ em. Để loại bỏ mụn cóc, bạn cần vài đợt áp lạnh và không phải lúc nào liệu pháp này cũng hiệu quả. Sử dụng thuốc có chứa axit salicylic vào giữa các lần áp lạnh có thể cải thiện hiệu quả điều trị.

  4. BĂNG KEO: Mặc dù có bằng chứng mâu thuẫn về hiệu quả của băng keo trong điều trị mụn cóc ở da nhưng phương pháp này vẫn đáng để thử, đặc biệt là ở trẻ em. Mụn cóc nên được băng kín bằng băng keo trong sáu ngày và nếu băng rơi ra thì nên thay thế bằng một miếng mới. Sau đó, băng keo phải được gỡ bỏ và vùng da bị bệnh được ngâm trong nước ấm. Tiếp đó, mụn cóc được cắt bớt để loại bỏ tế bào da chết. Mụn cóc để hở qua đêm và dán băng keo lại một lần nữa vào buổi sáng. Phương pháp này có thể được lặp lại lên đến hai tháng.

  5. CÁC THUỐC KHÁC BAO GỒM thoa dithranol, podophyllotoxin, 5-fluorouracil, acid trichloroacetic tại chỗ hay tiêm bleomycin.

  6. LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH TIẾP XÚC VỚI MỘT LOẠI SƠN HÓA HỌC như diphenycyprone gây ra một phản ứng dị ứng da tại chỗ mà điều này làm tăng đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại virus gây mụn cóc.

  7. PHẪU THUẬT LOẠI BỎ MỤN CÓC nếu các phương pháp điều trị tại chỗ không hiệu quả. Các lựa chọn bao gồm liệu pháp laser CO2, cắt bỏ mụn cóc bằng dao hay bằng đốt điện sau khi đã gây tê tại chỗ. Các thủ thuật này gây đau đớn và có thể dẫn đến sẹo xấu. Một số trường hợp, mụn cóc vẫn thể nổi lại ở vị trí sẹo sau phẫu thuật.

  8. LIỆU PHÁP QUANG ĐỘNG VÀ CÁC LOẠI LASER KHÁC (như Pulsed Dye Laser và Nd-YAG) cũng từng được sử dụng nhưng không được áp dụng rộng rãi để điều trị mụn cóc vì rất tốn kém và hiệu quả không cao.

  9. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỔ SUNG VÀ THAY THẾ KHÁC BAO GỒM liệu pháp thôi miên, vi lượng đồng căn, châm cứu và điều trị bằng thảo dược. Các phương pháp này có hiệu quả không rõ.

TÔI CÓ THỂ LÀM GÌ?

  • Mang giày/dép rộng rãi thoải mái và không dùng chung giày/dép với bất kỳ ai. Sử dụng miếng đệm đặc biệt để làm giảm áp lực lên mụn cóc lòng bàn chân.

  • Giữ chân luôn sạch và khô ráo. Thay giày và vớ hàng ngày.

  • Đừng đi chân trần ở những nơi công cộng. Nếu bạn đi bơi, mụn cóc lòng bàn chân nên được băng lại bằng băng keo cái nhân không thấm nước.

  • Khi điều trị mụn cóc, hãy vứt bỏ bất kỳ vảy da chết một cách hợp vệ sinh và không sử dụng chung dụng cụ giũa móng tay hoặc các dụng cụ loại bỏ da dày khác vì điều này có thể làm lây nhiễm bệnh.

  • Thoa thuốc thường xuyên để đạt hiệu quả tối đa.

  • Để tránh lây lan mụn cóc sang các vùng da khác (tự lây nhiễm), không cạy hoặc cào gãi mụn cóc lòng bàn chân.

  • Không sử dụng chung đá bọt, giũa móng tay và hoặc dụng cụ cắt móng tay cho vùng da có mụn cóc và cho vùng da và móng bình thường của bạn.

BẠN CÓ THỂ LẤY THÊM THÔNG TIN VỀ MỤN CÓC LÒNG BÀN CHÂN Ở ĐÂU?

https://onlinelibrary.wiley.com/doi/pdf/10.1002/psb.884

www.emedicine.com/emerg/topic641.htm

www.emedicinehealth.com/articles/20312-1.asp

www.dermnetnz.org/viral/viral-warts.html

 

mun-coc-long-ban-chan-bs-vu-hoang

 

-------------------

Bệnh viện Da Liễu - số 2 Nguyễn Thông, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.

Hotline: 028.39308131 - 0901.365.638

Website: bvdl.org.vn

Thời gian khám bệnh của bệnh viện:

  • Từ thứ hai đến thứ sáu: Từ 6g00 đến 18g30 (KHÔNG NGHỈ TRƯA)

  • Thứ bảy: buổi sáng từ 7g30 đến 11g00, buổi chiều từ 13g00 đến 18g30

  • Chủ Nhật: buổi sáng từ 7g30 đến 11g00, buổi chiều từ 13g00 đến 15g00
  • Ngày Lễ, Tết: NGHỈ

Đặt lịch khám bệnh trực tuyến tại: https://dalieu.medpro.com.vn/ - Hoặc tải ứng dụng Bệnh viện Da Liễu TPHCM - Đăng ký Khám bệnh Online (App Store, Google Play)

Để xem được nhiều nội dung Truyền thông giáo dục sức khỏe về da liễu, hãy truy cập kênh Youtube của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM: https://www.youtube.com/channel/UCt4M5jArf_1Pf5CNWRYOGag

 

ĐỌC THÊM

TIN MỚI

26-03-2024 10:00:00
Thời tiết Nam Bộ nắng nóng cũng là thời điểm các bệnh về da tăng cao. Hằng ngày, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM tiếp nhận gần trăm bệnh nhân bị viêm nhiễm vùng da đến khám.
23-03-2024 08:30:00
Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời da có thể bị bỏng nắng. Để giúp lành da và làm dịu da, điều đầu tiên bạn nên làm là tránh ánh nắng mặt trời ngay sau khi phát hiện bỏng nắng.
21-03-2024 10:35:00
Đối với nhiều người bị mụn trứng cá, mụn trứng cá không chỉ gây ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài, mà còn làm suy giảm sức khỏe tinh thần. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng người bị mụn trứng cá có thể mắc các vấn đề tâm lý bao gồm: trầm cảm, lo lắng, tự ti, ngại giao tiếp gây giảm chất lượng cuộc sống trầm trọng. Nếu bạn đang thắc mắc vì sao mụn có thể gây ra những vấn đề này thì bạn chỉ cần đọc câu chuyện của bạn Nguyễn Ngọc M. , 20 tuổi.
10-03-2024 08:05:00
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 3.2024, dự báo nắng nóng gay gắt diện rộng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt do tác động của khí hậu El Nino.
04-03-2024 17:05:00
Thời tiết nắng nóng gây nguy hại trực tiếp đến làn da như khô da, bỏng nắng, mụn trứng cá hoặc thậm chí là ung thư da. Làm cách nào để bảo vệ làn da dưới thời tiết nắng nóng? Hãy làm theo 5 mẹo sau đây:
24-02-2024 08:15:00
Ghi nhận tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM, sau dịp Tết Nguyên đán, có nhiều bệnh nhân đến thăm khám bệnh về da do thời tiết, đặc biệt là nắng nóng. Trong đó, có trường hợp da mặt bị nóng, rát, có nhiều hồng ban, bong da suốt 2 tuần.
22-02-2024 08:30:00
Bạn đọc PHÙNG THÙY LINH (29 tuổi, ngụ Tây Ninh) hỏi: Tôi bị bọng mắt rất to, xin bác sĩ cho biết có cách nào giúp bọng mắt giảm đi mà không cần can thiệp thẩm mỹ?
028.3930.8183
(trong giờ hành chính)
0975.609.166
(trong giờ hành chính)
bvdl.daotaolientuc@gmail.com

Đánh giá nội dung

OK
image doctor