7 năm sống chung với căn bệnh, ông H. ngày càng suy kiệt sức khỏe, khánh kiệt gia sản. Tuy chỉ là căn bệnh trên da nhưng vẩy nến ở thể nặng đã khiến ông Đ.V.H. bị thêm biến chứng ở khớp.
Đôi bàn tay ửng đỏ của ông H. được cất giấu kỹ càng dưới đôi găng tay cũ sờn vì ông không muốn người ta thấy những lóng ngón tay cong queo do biến chứng khớp từ căn bệnh vẩy nến. Ông cũng quấn quanh người một lớp áo khoác sù sụ, kéo áo cao lên tận cổ và trùm kín hết cả cánh tay.
Những khớp ngón tay cứng lại khiến ông rất khó khăn khi phải làm bất cứ việc gì, từ ăn uống, cầm nắm hay ngay cả mặc quần áo. Chính vì vậy, ông H. phải bỏ nghề chạy xe ôm đã nuôi sống ông vài năm nay.
Nhưng biểu hiện bên ngoài của vẩy nến là những lớp da bong tróc ở vùng mặt, vùng cổ cũng là những lí do khiến ai cũng sợ khi phải ngồi sau lưng ông H. Dù trên thực tế, vẩy nến có 3 không: Không lây, không chết, không hết.
Từ năm 2013, ông Đ.V.H. đang làm giám thị tại một ngôi trường ở quận 7 thì phát hiện mình bị bệnh vẩy nến. Kể từ đó, ông tìm đủ mọi cách để chữa trị, kể cả uống các loại thuốc trôi nổi theo lời mách bảo của người này người kia. Bệnh không hết, lại nặng thêm. Người vợ sau 13 năm chung sống đã sợ hãi căn bệnh của ông mà chia tay.
Ông H. nói rằng không thể ngờ chỉ là căn bệnh trên da nhưng lại khiến cuộc sống mình thay đổi nhiều đến thế. Tâm lý ngày càng chán nản vì không thể điều trị sạch hẳn vết tổn thương ngoài da. Chưa kể, biến chứng ở khớp càng khiến người bệnh thêm khổ sở.
Ông H. tiếc nuối phải chi lúc mới phát bệnh, kịp thời đi chữa trị ở bệnh viện, chắc hẳn giờ đây mọi việc đã khác. Bây giờ, hàng tuần, ông H. phải vào điều trị tại Bệnh viện Da liễu TPHCM.
Những trường hợp bị bệnh vẩy nến được ghi nhận tại Bệnh viện Da liễu TPHCM trung bình mỗi năm lên đến khoảng 50.000 lượt người.
Theo TS. BS Nguyễn Trọng Hào – Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM, vẩy nến là một bệnh lý viêm mạn tính qua trung gian miễn dịch, có liên quan tới gen di truyền, biểu hiện ngoài da hoặc khớp, hay cả da và khớp.
Thương tổn đặc trưng là mảng da màu đỏ, giới hạn rõ, bề mặt có vẩy trắng, dễ tróc, thường xuất hiện ở da đầu, đầu gối, cùi chỏ và thân mình. Ngoài ra thương tổn cũng có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của cơ thể như móng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng sinh dục và mặt...
Trong hầu hết các trường hợp, vẩy nến diễn tiến lành tính, bệnh nhân có thể sống chung với bệnh mà không có ảnh hưởng đáng kể về mặt sức khỏe ngoại trừ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.
Tuy nhiên, cần lưu ý một số rối loạn chuyển hóa kèm theo vẩy nến như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì, xơ vữa động mạch… Đây chính là những yếu tố nguy cơ tim mạch, do vậy cần lưu ý và tầm soát để phát hiện sớm trên bệnh nhân vẩy nến.
Về phương pháp điều trị vẩy nến, theo TS.BS Nguyễn Trọng Hào, trong khoảng 20 năm gần đây, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều yếu tố liên quan đến sinh bệnh học vẩy nến đã được phát hiện.
Mặt hạn chế là giá các loại thuốc sinh học để điều trị bệnh vẩy nến còn rất cao nên những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như trường hợp ông Đ.V.H nói trên đành phải ngậm ngùi sống chung với căn bệnh.
Theo các bác sĩ da liễu, nhiều người dân không hiểu rõ vẩy nến là bệnh mãn tính nên khi thấy uống thuốc hoài không bớt thì bỏ điều trị hoặc uống thuốc không rõ nguồn gốc. Điều này khiến bệnh càng nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
-------------------
Bệnh viện Da Liễu - số 2 Nguyễn Thông, phường 6, quận 3, TP.HCM.
Hotline: 028.39308131 - 0901.365.638
Website: bvdl.org.vn
Thời gian khám bệnh của bệnh viện:
Đặt lịch khám bệnh trực tuyến tại: https://dalieu.medpro.com.vn/ - Hoặc tải ứng dụng Bệnh viện Da Liễu TPHCM - Đăng ký Khám bệnh Online (App Store, Google Play)
Để xem được nhiều nội dung Truyền thông giáo dục sức khỏe về da liễu, hãy truy cập kênh Youtube của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM: https://www.youtube.com/channel/UCt4M5jArf_1Pf5CNWRYOGag