Kiến thức Y khoa

Đừng tin quảng cáo 
“chữa khỏi vảy nến”

01-11-2016 08:58:55
Copy to clipboard
TTO - Nhiều người bệnh vảy nến chỉ vì tin quảng cáo, lời truyền miệng chữa dứt bệnh vảy nến mà tìm đến chữa trị. Hậu quả bệnh nặng thêm, “tiền mất, tật mang”.

Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, số lượt người đến khám do vảy nến đứng thứ tư trong các bệnh da liễu thường gặp. Tỉ lệ mắc bệnh này trên thế giới ước tính khoảng 2-3% dân số, tương đương với 125 triệu người mắc.

Mọc cứng người do... thuốc lạ

Nằm trên giường bệnh sau nhiều ngày điều trị tại khoa lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP, toàn thân ông N.A.Đ. (47 tuổi, Đắk Lắk) sần sùi vảy nến.

Theo ông Đ., ông bị vảy nến 20 năm nay, đã điều trị ở một số bệnh viện. Thấy trị hoài không hết hẳn, ông Đ. không đi tái khám mà tự mua thuốc Dibetalic (thành phần có corticoid và acid salicylic) về bôi.

“Tôi bôi lâu lắm, gần 5 năm và không đi bệnh viện khám. Mỗi tuýp thuốc sử dụng được hai ngày là hết. Tôi cứ bôi như thế thì bệnh giảm nhưng không dừng thuốc được vì chỉ dừng vài ngày là vảy nến lại mọc lên rất nhiều” - ông Đ. kể.

Gần đây có người chỉ cho ông Đ. đến một thầy lang ở Đắk Lắk mua thuốc nam uống sẽ khỏi hẳn bệnh, thế là ông đến. Thầy lang bán cho ông cây cỏ gì đó giá 40.000 đồng/thang, mỗi ngày sắc uống một thang. Khi uống thuốc nam một tháng, bệnh ông phát mạnh, đỏ tấy toàn thân, sưng người, sốt cao.

Tại khoa lâm sàng 2 còn có ông V.V.T. (61 tuổi, Bến Tre) bị bệnh cũng hơn 20 năm. Ông T. cũng từng đi điều trị vảy nến theo cách “người khác bày cho hay lắm, nghe thấy mừng quá thì đi” và không ngờ bệnh ngày càng nặng thêm.

Thậm chí ông T. còn bị một bác sĩ ở Bến Tre điều trị vảy nến bằng cách “chích thuốc gì đó đục đục như nước vo gạo” mỗi tuần một mũi. Sau đó một y sĩ gần nhà nói là bác sĩ này chích thuốc K-Cort độc lắm, 2-3 tháng mới được chích một lần nên ông sợ quá, đến mũi thứ tư thì bỏ luôn.

Ông T. cũng từng xem quảng cáo và đến một phòng khám có “bác sĩ” Trung Quốc ở TP.HCM điều trị nhưng bệnh không giảm mà vảy nến còn “mọc cứng hết mình, người sưng đỏ” khiến ông phải bao xe tức tốc lên Bệnh viện Da liễu TP điều trị.

Đừng tin quảng cáo láo

“Dù y học rất phát triển, có nhiều thuốc mới trị vảy nến nhưng bệnh này hiện chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn hoàn toàn. Cơ sở nào, cá nhân nào quảng cáo là trị dứt điểm vảy nến đều không tin được” - TS.BS Nguyễn Trọng Hào, giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, khẳng định.

Theo TS Hào, vảy nến là bệnh da mãn tính, hay tái phát, biểu hiện bệnh là đỏ da, tróc vảy một số vùng da tì đè nhiều (đầu gối, cùi chỏ, da đầu, nếp mông, lưng) hoặc toàn thân. Vảy nến còn làm tổn thương móng tay, chân, làm cho móng sù sì, tăng sừng, đổi màu nhìn rất xấu.

Đặc biệt sẽ có 10-30% người mắc vảy nến diễn tiến sang viêm khớp vảy nến (đau, sưng, cứng các khớp).

Bệnh vảy nến gặp ở cả nam, nữ và ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, có hai đỉnh tuổi phát bệnh nhiều là trước 20 tuổi (khởi phát lúc trẻ) và khi 40-60 tuổi (khởi phát lúc già). Vảy nến khởi phát ở người trẻ thường nặng hơn so với người lớn tuổi và khó kiểm soát, khó điều trị do liên quan đến di truyền nhiều hơn.

Đến nay y học chưa xác định được nguyên nhân chính gây bệnh, nhưng bệnh khởi phát do có sự tương tác giữa yếu tố di truyền và một số yếu tố bên ngoài. Mối tương tác này tạo ra sự rối loạn hệ thống miễn dịch của người bệnh, khiến hệ thống này bị kích thích, làm cho da tăng sản xuất vảy rất nhiều, rất nhanh.

Bình thường khoảng 4 tuần da người sẽ thay mới một lần. Khi đó vảy trên da sẽ bong ra nhưng ta không thấy được.

Nhưng ở người vảy nến, tốc độ sản xuất vảy nhanh gấp nhiều lần người bình thường khiến lớp da trước bong ra chưa hết thì lớp da sau đã tróc ra và tích tụ lại tạo ra vảy, kết hợp với quá trình viêm, làm cho da bị đỏ hồng lên.

Khi bị vảy nến, tùy theo mức độ nặng nhẹ và thể bệnh, bác sĩ da liễu sẽ chỉ định phương pháp, thuốc điều trị thích hợp. Nếu nhẹ chỉ dùng thuốc bôi, nặng thì thuốc uống và bôi, có khi kết hợp chiếu tia cực tím, thuốc tiêm. Gần đây có thêm nhóm thuốc sinh học có tác dụng kiểm soát vảy nến tốt hơn nhưng khá đắt tiền.

“Dù là phương pháp gì, người bệnh cần xác định phải kiên trì điều trị lâu dài, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Xong điều trị tấn công phải đến điều trị duy trì cho đến khi bệnh ổn mới dừng thuốc.

Nếu bệnh nặng phải nhập viện điều trị 2-4 tuần, khi ổn điều trị ngoại trú và 2 tuần tái khám một lần. Khi hết triệu chứng sẽ không phải tái khám nhưng khi tái phát cần đến bệnh viện ngay. Nếu được điều trị hợp lý và người bệnh tuân thủ tốt, có thể kiểm soát lâu dài vảy nến, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh” - TS Hào lưu ý.

Đừng tự làm bác sĩ

Theo TS Hào, do là bệnh mãn tính, chưa có thuốc điều trị dứt hẳn nên người bị vảy nến cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu hướng dẫn, tư vấn kỹ để hiểu rõ bệnh, hợp tác điều trị tốt.

Nếu không được tư vấn đầy đủ, người bệnh dễ chán nản và tìm đến nơi điều trị không chính thống, quảng cáo chữa dứt hẳn bệnh nhưng thực chất là cho người bệnh dùng thuốc có thành phần corticoid (dạng bôi, chích, uống) không đúng và không có kiểm soát.

Corticoid sẽ ức chế miễn dịch làm cho bệnh giảm ngay nhưng được một thời gian bệnh sẽ bùng phát dữ dội, làm cho vảy nến lan rộng nhiều hơn, xuất hiện thể vảy nến nặng, cấp tính hơn như vảy nến mủ, vảy nến đỏ da toàn thân, vảy nến khớp.

Về lâu dài gây ra hiện tượng teo da, giãn mạch, hội chứng cushing, rối loạn chuyển hóa...

Người mắc chứng này cần lưu ý: không tự làm bác sĩ, tự mua thuốc điều trị, kể cả mua thuốc theo toa bác sĩ chỉ định của những đợt điều trị trước.

Tại Bệnh viện Da liễu TP đã từng có người không đi tái khám theo hẹn mà tự mua thuốc Methotrexate uống kéo dài mấy năm. Trong khi việc sử dụng thuốc này phải tầm soát, xét nghiệm trước, trong và sau khi uống.

Sau thời gian tự dùng thuốc không những không khống chế được bệnh mà còn bị xơ gan, sau khi quay lại tái khám.

Tránh yếu tố gây tái phát

Stress: đây là yếu tố tâm lý, tinh thần cực kỳ quan trọng. Nếu không kiểm soát được cảm xúc, công việc hoặc gia đình có nhiều áp lực, căng thẳng, mâu thuẫn... sẽ tạo điều kiện cho bệnh bùng phát rất kinh khủng. Nhiễm trùng: cần được kiểm soát thường xuyên.

Bất cứ một ổ nhiễm trùng nào trên cơ thể (ở da hay hầu họng...) cũng làm bệnh nặng thêm. Thuốc lá: phải bỏ hoàn toàn do trong thuốc lá có những chất làm cho bệnh nặng hơn, giảm tác dụng của thuốc trị vảy nến; rượu bia: tốt nhất không nên uống...

Vảy nến có nhiều thể khác nhau nhưng thường gặp là: vảy nến thông thường (mảng da đỏ, tróc vảy), vảy nến mủ, viêm khớp vảy nến, vảy nến đỏ da toàn thân. Vảy nến hiện được xem là bệnh viêm hệ thống, gây tác động lên nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

Vì thế người bệnh vảy nến có nguy cơ mắc bệnh khớp, bệnh lý tiêu hóa, mắt, thận, xơ vữa động mạch...

 

Trích nguồn từ báo Tuổi trẻ online                                                                Phóng viên  LÊ THANH HÀ  
 
 
 
 
(lethanhha@tuoitre.com.vn)

 

 

TIN MỚI

14-04-2025 10:30:00
Áp xe âm hộ - Đừng để tổn thương nhỏ trở thành biến chứng lớn
07-04-2025 08:00:00
Ngứa liên quan bệnh thận mạn là triệu chứng khá thường gặp, không chỉ ảnh hưởng thể chất, tăng gánh nặng bệnh tật sẵn có, mà còn gây ra những vấn đề tâm lý nghiêm trọng: mất ngủ, lo âu, trầm cảm…tuy nhiên tình trạng này lại thường hay bị bỏ sót hoặc điều trị không đầy đủ. Việc tiếp cận cơ chế bệnh sinh và nguyên nhân gây ngứa là một trong những chìa khoá quan trọng góp phần cho hiệu quả điều trị.
29-03-2025 08:00:00
Mycoplasma genitalium (M. genitalium) là một loại vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục ngày càng được chú ý nhiều trong thời gian gần đây, bên cạnh các tác nhân quen thuộc như lậu, Chlamydia, giang mai,…. Vi khuẩn được phát hiện vào năm 1980, M. genitalium thuộc nhóm vi khuẩn Mollicutes, có kích thước rất nhỏ và không có thành tế bào, khiến nó kháng nhiều loại kháng sinh thông thường. Vi khuẩn này có thể gây viêm niệu đạo ở nam giới và viêm cổ tử cung, viêm vùng chậu ở nữ giới. Đặc biệt, nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến biến chứng như vô sinh, thai ngoài tử cung hoặc viêm vùng chậu mãn tính.
22-03-2025 08:00:00
Sáng ngày 21/03/2025, BSCKII Võ Thị Đoan Phượng – Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TPHCM đã có bài báo cáo về Hệ vi sinh vật âm đạo. Hệ vi sinh vật âm đạo (Vaginal Microbiome) là tập hợp các vi sinh vật cư trú tự nhiên trong âm đạo, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Một âm đạo khỏe mạnh chứa hơn 50 loài vi sinh vật, trong đó Lactobacillus chiếm ưu thế, giúp duy trì môi trường acid nhẹ (pH < 4,5), ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh phát triển.
14-03-2025 10:00:00
Viêm da cơ địa: là một bệnh viêm da mãn tính, ngứa xảy ra thường xuyên, bệnh dễ tái phát. Viêm da cơ địa thường liên quan đến tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị viêm mũi dị ứng và hen suyễn. Viêm da cơ địa ảnh hưởng đến 20%-30% trẻ em, 7%-10% người lớn, gây ra gánh nặng đáng kể về thể chất, tâm lý và kinh tế xã hội.
09-03-2025 09:00:00
Nhiễm trùng huyết là một tình trạng cấp cứu nội khoa không chỉ xảy ra với các nhiễm trùng xâm lấn, sau các chấn thương và phẫu thuật mà còn có thể xảy ra với các bệnh lý da liễu như là một biến chứng của việc hàng rào bảo vệ da bị tổn thương quá mức.
02-03-2025 09:00:00
Ngứa ở người cao tuổi là biểu hiện da rất phổ biến và đáng lo ngại vì ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy việc điều trị ngứa ở người cao tuổi là một nhu cầu cần thiết yếu và cần được quan tâm đúng mức.
028.3930.8183
(trong giờ hành chính)
0975.609.166
(trong giờ hành chính)
bvdl.daotaolientuc@gmail.com

Đánh giá nội dung

OK
image doctor