DỊ ỨNG LATEX

25-03-2020 08:27:53
Copy to clipboard
Bài này được viết để giúp chúng ta hiểu thêm về dị ứng với mủ cao su tự nhiên - thường được gọi đơn giản là dị ứng latex.

Latex là gì?

Latex (Mủ cao su) là một loại nhựa màu trắng đục như sữa từ thực vật như cây cao su nhiệt đới. Nhựa được sử dụng để làm các mặt hàng cao su như găng tay gia dụng và găng tay y tế, giày, lốp xe, bóng bay và bao cao su... Trong quá trình sản xuất, các hóa chất như những chất xúc tác được thêm vào có tác dụng làm cứng mủ cao su và sản phẩm cao su được nung nóng, sau đó được rửa sạch. Thành phẩm tạo ra, ngoài mủ cao su, có thể chứa các protein và hóa chất bổ sung còn lại (không phải latex) và chúng cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Dị ứng latex là gì?

Hàng ngày, tất cả chúng ta đều tiếp xúc với các mặt hàng cao su tự nhiên trong cuộc sống, và đối với hầu hết mọi người, việc này không gây ra vấn đề gì. Một số ít người có cơ địa dị ứng mủ cao su thì hệ thống miễn dịch mặc nhiên cho rằng mủ cao su là chất có hại và kích hoạt một số kháng thể nhất định để chống lại nó. Chính vì vậy, từ lần tiếp xúc tiếp theo các kháng thể sẽ giải phóng histamin và tạo ra hàng loạt các dấu hiệu dị ứng. Nếu tiếp xúc càng nhiều thì các phản ứng càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Phản ứng quá mức này được gọi là hiện tượng “quá mẫn cảm” và mủ cao su là “dị ứng nguyên” (chất gây dị ứng).

Các triệu chứng có biểu hiện như thế nào?

Những protein chứa trong mủ cao su gây ra phản ứng dị ứng tức thì, xuất hiện trong vòng vài phút đến một giờ sau khi tiếp xúc với sản phẩm cao su. Triệu chứng xuất hiện từ nhẹ đến nặng, phụ thuộc vào cơ địa, mức độ phản ứng của từng người, và phụ thuộc vào lượng protein trong sản phẩm mà họ đã tiếp xúc cũng như đường tiếp xúc (qua da hoặc hít phải hơi của mủ cao su).

Thường gặp nhất là ‘mày đay tiếp xúc”, có biểu hiện là phát ban đỏ, ngứa và sưng nề ở vùng da tiếp xúc với vật dụng cao su. Điển hình thường gặp là ở bàn tay khi đeo găng tay cao su hoặc môi sau khi thổi bong bóng. Đôi khi có thể xuất hiện các phản ứng lan rộng ở các vị trí khác của cơ thể như sưng mặt, đặc biệt là xung quanh mí mắt và môi. 

 

dị ứng latex

Triệu chứng của hiện tượng nhạy cảm với latex sau khi mang găng tay latex (Nguồn: Internet)

 

Các triệu chứng khác bao gồm hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt (giống như sốt cỏ khô) và khò khè hoặc khó thở.

Sốc phản vệ (một phản ứng dị ứng nặng) có thể xảy ra nhưng rất hiếm, với  các biểu hiện: mệt, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, phù nề thanh quản gây khó thở, mạch nhanh, huyết áp thấp,.. thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ai có nguy cơ dị ứng latex?

Những người đeo găng tay cao su thường xuyên và trong thời gian dài như nhân viên y tế, thợ làm tóc (khi làm việc với hóa chất), công nhân cao su và những người lao công (thường xuyên lau chùi) là các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt nếu họ có cơ địa bị dị ứng (mày đay, dị ứng thức ăn và hen suyễn) hoặc bị viêm da cơ địa. 

Bệnh chàm bàn tay làm tăng nguy cơ dị ứng latex vì các protein có thể xuyên qua hàng rào da bị tổn tương do bệnh chàm dễ dàng hơn.

Những người bị tật nứt đốt sống (tật đốt sống chẻ đôi) và những người đã phẫu thuật bàng quang nhiều lần có nguy cơ dị ứng latex cao hơn. Vì họ đã tiếp xúc nhiều với latex thông qua việc đặt ống thông đường tiểu. 

Chẩn đoán dị ứng latex như thế nào?

Bạn sẽ được chẩn đoán thông qua việc hỏi bệnh và thăm khám của Bác sĩ, và nếu cần thiết, Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán như xét nghiêm máu, xét nghiệm da. Các kháng thể chống latex được tìm thấy trong máu của những người bị dị ứng latex. Chúng có thể được đo trong mẫu máu bằng xét nghiệm gọi là IgE đặc hiệu.

Test lẩy da cũng là một cách để xác định chẩn đoán dị ứng latex. Thử nghiệm này được thực hiện bởi bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia dị ứng. Thử nghiệm sẽ không chính xác nếu bạn đang uống thuốc kháng histamine.

Những người có các triệu chứng rất dễ bị dị ứng latex, nhưng thử nghiệm lẩy da và xét nghiệm IgE đặc hiệu âm tính, có thể cần làm thêm các xét nghiệm như test thử thách latex. Sử dụng một sản phẩm latex (chẳng hạn như đeo găng tay) và đánh giá phản ứng. Do thực tế các xét nghiệm trước là âm tính, nên khả năng xảy ra phản ứng nặng ở đây là rất thấp.

Những loại sản phẩm nào có chứa latex? 

Nếu bạn đã được chẩn đoán bị dị ứng latex (mủ cao su), bạn phải thông báo cho các nhân viên y tế (như bác sĩ, nha sĩ) cũng như các nhân viên khác (người chăm sóc, thợ làm tóc, thợ làm móng và làm đẹp) rằng bạn bị dị ứng latex. Tốt nhất là tránh tất cả các mặt hàng cao su.

Nhiều đồ gia dụng có thể chứa mủ cao su tự nhiên. Hầu hết các trường hợp dị ứng xảy ra sau khi tiếp xúc với các mặt hàng cao su mỏng làm từ cao su nhúng, đặc biệt là những găng tay dùng rửa chén giặt đồ, găng tay cao su dùng một lần, bóng bay và bao cao su. Các đồ gia dụng khác có thể chứa mủ cao su (như một số loại thảm, kính bơi, đồ chơi cao su, núm vú em bé, tay cầm vợt, tay cầm xe máy và xe đạp, dây thun, giày dép nhựa, chai nước nóng)

Găng tay y tế có thể được làm từ mủ cao su tự nhiên, nhưng các sản phẩm không chứa mủ cao su đã và đang được lựa chọn để thay thế như nhựa polymer (PVC ) hoặc cao su tổng hợp (cao su nitrile). Găng tay cao su tự nhiên dạng bột đã bị cấm sử dụng tại các bệnh viện ở Anh vào những năm 1990 vì loại bột này gây ra rất nhiều phản ứng dị ứng.

Các mặt hàng khác có thể chứa latex bao gồm băng keo dán, vòng đo huyết áp; các thiết bị nha khoa bao gồm dây cao su chỉnh nha và tấm bảo vệ miệng; ống thông, ống dẫn lưu, mặt nạ, dụng cụ tiêm tĩnh mạch (catheter) và ống dẫn lưu. Các sản phẩm thay thế không có latex hiện nay được nhiều bệnh viện sử dụng thường xuyên.

Vật dụng văn phòng như thảm chuột máy tính, bóng lăn chuột máy tính, keo dán, dây thun và cục tẩy ở đầu bút chì.

Có cách nào chữa hết dị ứng latex?

Các trường hợp giải mẫn cảm thành công đã được báo cáo gần đây nhưng đây là một quá trình thử nghiệm và không phải lúc nào cũng có hiệu quả. 

Tôi có thể làm gì để kiểm soát dị ứng latex? 

Vấn đề quan trọng nhất của việc điều trị dị ứng latex là tránh tiếp xúc trực tiếp với các sản phẩm latex. 

Mang theo thẻ dị ứng latex (những thứ này có sẵn bằng nhiều ngôn ngữ), đeo vòng cổ hoặc vòng tay cảnh báo y tế để cung cấp thông tin cần thiết cho những người chăm sóc bạn trong trường hợp khẩn cấp khi bạn không thể giao tiếp.         

Thông báo cho tất cả nhân viên y tế, nhân viên nha khoa và người quản lý đơn vị hoặc trường học của bạn rằng bạn bị dị ứng latex để điều này có thể được ghi lại trong hồ sơ sức khỏe của bạn.

Nếu bạn có nguy cơ bị dị ứng nặng và đã được kê toa thuốc tiêm tự động adrenaline (epinephrine) (bút adrenaline), điều quan trọng là bạn phải biết cách sử dụng và phải luôn mang nó theo người. Nên hướng dẫn cho những người thường bên cạnh bạn (bạn bè, gia đình, giáo viên và đồng nghiệp...) biết cách sử dụng và nơi lấy bút này khi cần, đồng thời cũng phải thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của bút.

 

dị ứng latex

Luôn mang theo bút epinephrine (Nguồn: Internet)

 

Nếu bạn bị hen suyễn, hãy kiểm soát tốt bệnh bằng cách sử dụng ống hít theo toa bác sĩ và luôn mang chúng bên người để có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Kiểm soát tốt bệnh hen suyễn có thể làm giảm tác động của phản ứng dị ứng.

Các phản ứng dị ứng nhẹ như kích ứng tại chỗ của da do đeo găng tay nên được điều trị bằng cách tháo găng tay/vật dụng bằng latex, rửa với nước mát và uống thuốc kháng histamine. 

Trong trường hợp phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sưng họng, khó thở với khàn giọng), hãy sử dụng dụng cụ tiêm tự động adrenaline và khẩn cấp gọi cấp cứu (Gọi 115).

Những người dị ứng latex có bị dị ứng chất khác không?

Những người dị ứng latex cũng có thể dị ứng với trái cây nhiệt đới, đặc biệt là chuối. Tương tự, những người dị ứng chuối có thể dị ứng với latex. Do quả chuối chứa protein rất giống với cây cao su nhiệt đới. Những loại rau và trái cây khác có thể gây ra phản ứng tương tự với latex gồm có bơ, cần tây, vả, hạt dẻ, đu đủ và quả lạc tiên.

Dị ứng trái cây thường gây ngứa và sưng môi, lưỡi, cổ họng trong vài phút sau khi ăn hoặc uống nước ép trái cây. Ở những người bị dị ứng nặng, có thể kèm theo buồn nôn, nôn, nổi mề đay, thở khò khè và sốc phản vệ.

Phải làm gì nếu bạn sắp được phẫu thuật hay thủ thuật nha khoa?

Điều quan trọng là bạn nên thông báo về tình trạng dị ứng latex của mình cho những người đeo găng tay như y tá, bác sĩ, nha sĩ đến khám hoặc điều trị cho bạn để họ có thể tránh sử dụng các vật dụng bằng latex.

Các qui trình phẫu thuật phải được thực hiện trong một phòng mổ không có latex.

Có các loại dị ứng cao su nào khác không? 

Protein tự nhiên trong mủ cao su gây ra các triệu chứng dị ứng ngay lập tức như mô tả ở trên. Hóa chất được thêm vào trong quá trình sản xuất cao su (ví dụ carbamate, thiuram và mercaptos) cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng, nhưng chúng xảy ra chậm hơn trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày và gây ra phát ban đỏ, ngứa gọi là viêm da tiếp xúc dị ứng.

Điều quan trọng là phải hiểu nếu bạn dị ứng ngay lập tức với latex hoặc dị ứng chậm với hóa chất. Dị ứng hóa chất cao su được chẩn đoán bằng các thử nghiệm áp da (xem bài Patch Test). Những người bị bệnh chàm bàn tay có nguy cơ bị dị ứng ngay lập tức với protein latex và dị ứng chậm với các hóa chất cao su.

Có thể sử dụng các loại găng tay nào?

Găng tay cao su tổng hợp hoặc nhựa vinyl (PVC) là những lựa chọn thay thế an toàn cho những người dị ứng mủ cao su tự nhiên. Nếu bạn cũng dị ứng hóa chất cao su, bác sĩ da liễu sẽ cung cấp thêm những lời khuyên về những loại găng tay phù hợp.

-------------------

Bệnh viện Da Liễu - số 2 Nguyễn Thông, phường 6, quận 3, TP.HCM.

Hotline: 028.39308131 - 0901.365.638

Website: bvdl.org.vn

Thời gian khám bệnh của bệnh viện:

  • Từ thứ hai đến thứ sáu: Từ 6g00 đến 18g30 (khám cả giờ nghỉ trưa).
  • Thứ bảy: buổi sáng từ 7g30 đến 11g00, buổi chiều từ 13g00 đến 18g30
  • Chủ Nhật: buổi sáng từ 7g30 đến 11g00, buổi chiều từ 13g00 đến 15g00
  • Ngày Lễ, Tết: nghỉ

Đặt lịch khám bệnh trực tuyến tại: https://dalieu.medpro.com.vn/ - Hoặc tải ứng dụng Bệnh viện Da Liễu TPHCM - Đăng ký Khám bệnh Online (App Store, Google Play)

Để xem được nhiều nội dung Truyền thông giáo dục sức khỏe về da liễu, hãy truy cập kênh Youtube của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM: https://www.youtube.com/channel/UCt4M5jArf_1Pf5CNWRYOGag

TIN MỚI

19-04-2024 08:30:00
Bệnh mô liên kết tự miễn là một nhóm bệnh gồm các bệnh ảnh hưởng đến các bộ phận kết nối các cấu trúc của cơ thể. Nhiều type bệnh đã được phát hiện: lupus, viêm bì cơ, xơ cứng bì, hội chứng Sjögren, bệnh mô liên kết hỗn hợp, bệnh mô liên kết không xác định,...
12-04-2024 08:30:00
Dinh dưỡng là quá trình cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng từ thức ăn để duy trì sự sống từ mức độ tế bào đến mức độ cơ thể (cả về cấu trúc lẫn hoạt động), bảo vệ sức khỏe và cung cấp nguyên liệu cho sự tăng trưởng thể chất.
29-03-2024 08:30:00
Viêm khớp vảy nến (PsA) là bệnh đồng mắc thường gặp nhất của vảy nến. Có đến 30% bệnh nhân vảy nến sẽ tiến triển đến viêm khớp. Viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến phá hủy khớp gây mất chức năng khớp. Triệu chứng của PsA thường rất đa dạng và giống với các bệnh viêm khớp khác do đó dễ bị bỏ sót chẩn đoán.
22-03-2024 08:30:00
1/ Tại sao bệnh ảnh hưởng đến cả da và hệ xương?
17-03-2024 08:30:00
XN papillomavirus ở người (Xét nghiệm HPV) phát hiện sự hiện diện của papillomavirus ở người, 1 loại virus có thể dẫn đến sự phát triển của mụn cơm sinh dục, tế bào cổ tử cung bất thường hoặc ung thư cổ tử cung.
08-03-2024 09:00:00
Siêu âm là một công cụ chẩn đoán hình ảnh đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều chuyên ngành y học với các ưu điểm: không xâm lấn, không có tia xạ, có thể lặp lại được và chi phí thấp. Trong những năm gần đây, siêu âm đang dần được sử dụng phổ biến trong chuyên ngành Da Liễu.
01-03-2024 08:25:00
Tân sinh trong biểu mô âm hộ (Vulvar Intraepithelial Neoplasia-VIN) là tổn thương tiền ung thư âm hộ do biến đổi tế bào ở lớp thượng bì, không xâm nhập màng đáy.
028.3930.8183
(trong giờ hành chính)
0975.609.166
(trong giờ hành chính)
bvdl.daotaolientuc@gmail.com

Đánh giá nội dung

OK
image doctor